10 Định nghĩa sai lầm về công nghệ màn hình

0 Comments

(vnCloud) Những định nghĩa cơ bản giúp bạn đánh giá đúng hơn được các thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất màn hình thường sử dụng khi nói về sản phẩm công nghệ.

Hầu hết TV, máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, và màn hình nói chung đều sử dụng hàng loạt thông số kĩ thuật như một công cụ tiếp thị, thuyết phục người tiêu dùng – thay vì những mô tả hoa mỹ như với các nhóm sản phẩm số khác.

Tuy nhiên, cũng chính điều này đã tiếp tay cho hàng loạt hiểu lầm về những thông số kĩ thuật tưởng chừng hết sức cơ bản, dẫn tới việc người dùng bị rối, gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá đâu là sản phẩm có khả năng hiển thị tốt. Dưới đây là một số giải thích cơ bản của vnCloud giúp bạn có thể đánh giá đúng hơn được các thông số mà những nhà sản xuất liệt kê ra đối với món hàng họ muốn bán.

1. Cùng số “inch” nhưng khác diện tích hiển thị

Khái niệm tưởng chừng đơn giản bậc nhất này cũng ẩn chứa những “lời nói dối” đầy ngọt ngào. Ít ai biết rằng những con số về đường chéo này sẽ không nói cho bạn biết chính xác diện tích hiển thị của màn hình lớn cỡ nào.

Nói cách khác, nó không thể hiện diện tích hiển thị trực quan của màn hình (chiều rộng x chiều cao) theo mắt người nhìn thấy – vốn thay đổi rất nhanh so với vài inch tăng thêm của đường chéo. Lấy ví dụ như màn hình 10 inch thực tế có diện tích hiển thị hơn gấp đôi so với một màn hình 7 inch.

diện tích hiển thị màn hình

Thêm vào đó, bề mặt hiển thị thực tế cũng phụ thuộc nhiều vào hình dáng của màn hình – hay nói cách khác chính là tỉ lệ dài:rộng. Với cùng kích thước 10 inch, màn hình “vuông” 4:3 (như iPad) có diện tích hiển thị lớn hơn 12% so với màn hình 16:9 (đa số các loại máy tính bảng Android). Đây cũng là yếu tố lý giải tại sao chi phí của màn hình “vuông” hay màn với tỉ lệ 16:10 thường đắt hơn đáng kể so với màn rộng 16:9.

Bản thân mỗi tỉ lệ này cũng thường tối ưu cho một vài nhu cầu sử dụng nhất định (ví dụ như tỉ lệ 4:3 thường lý tưởng cho việc xem tài liệu hay web hơn hẳn so với 16:9) mà người dùng nên cân nhắc cụ thể.

2. Mật độ điểm ảnh, bao nhiêu là đủ?

Kể từ khi Apple tiếp thị khái niệm màn hình Retina ra thị trường, cuộc đua mật độ điểm ảnh trên mỗi inch vuông (PPI) bắt đầu cất cánh. Tuy nhiên, ngay lập tức, đây cũng trở thành khái niệm “lừa” người dùng bậc nhất hiện nay – đặc biệt là trên điện thoại di động. Dĩ nhiên, việc màn hình có chỉ số PPI cao hơn đồng nghĩa với độ sắc nét hình ảnh và khả năng hiển thị chi tiết mịn màng hơn là điều miễn bàn.

Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận hình ảnh của mắt là có giới hạn trong khi khoảng cách tới màn hình (và thị lực) đều có ảnh hưởng lớn tới vấn đề “sắc nét” nói trên. Vì thế, khi đánh giá PPI, tối thiểu người dùng phải tính toán cả đến khoảng cách mắt của họ nhìn màn hình – yếu tố hết sức khác biệt khi bạn dùng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay hay máy tính để bàn.

mật độ điểm ảnh

Hiện nay, iPhone 7 có mật độ điểm ảnh là 326 PPI (với iPhone 7 Plus là 401 PPI), đây là mức khá cao nếu xét đơn thuần con số nhưng lại là “bình thường” với mắt nhìn vì người dùng thường cầm điện thoại cách mắt khoảng 30cm. Trong khi đó, với màn hình của máy tính bảng hay điện thoại thông minh, khoảng cách này là hơn 40cm – đồng nghĩa rằng chỉ với hơn 200 PPI, độ sắc nét đã đạt tới ngưỡng tương đương với điện thoại, và “sắc nét hoàn hảo” theo khái niệm Retina của Apple (với những người có thị lực 20/20). Trên thực tế, ít ai biết rằng những loại HDTV với độ phân giải Full HD (1920×1080) khi nhìn ở khoảng cách xa hơn nhiều (vài mét) đã đạt tới mức chuẩn Retina.

3. “Ma trận” khái niệm khả năng hiển thị dải màu

Thực tế, dù là thông số khá quan trọng, đây lại là món ít người dùng quan tâm khi chọn mua màn hình. Mức thể hiện các dải màu (color gamut) cho thấy khả năng tái hiện màu sắc của tấm nền màn hình.

Màn hình tốt thường có thể tái hiện dải màu rộng hơn, với tỉ lệ % lớn hơn bất kể của dải màu chuẩn nào (sRGB, Adobe RGB…). Tuy nhiên, cần biết rằng sự chính xác về màu sắc liên quan lớn tới loại dải màu của chính thiết bị tạo ra nội dung số để rồi bạn xem trên màn hình.

dải màu cho màn hình

Về cơ bản, nếu màn hình có dải màu hiển thị được rộng hơn quá nhiều, nó tiềm ẩn nguy cơ làm sai lệch màu (thường là quá rực rỡ, lòe loẹt). Trong khi đó, dải màu hẹp hơn đồng nghĩa rằng màn hình sẽ thể hiện màu nhợt nhạt, kém chính xác hơn. Hiện nay, hầu hết màn LCD đều có dải màu hẹp hơn dải tiêu chuẩn trong khi màn OLED lại ngược lại.

Dù việc hiển thị rực rỡ thường có lợi cho người chơi game hay xem phim nhưng với những ai thực sự nghiêm túc về vấn đề màu sắc, việc tìm hiểu hiểu đúng loại thiết bị sản xuất nội dung và các khái niệm về màu sắc là điều nên làm. Ngoài ra, việc so sánh tỉ lệ hiển thị ở cùng một dải màu là điều bắt buộc (do các tiêu chuẩn màu khác nhau có độ rộng dải màu cũng khác nhau). Một ví dụ là Dell P2417h chỉ hiển thị được 82% dải màu CIE 1976 – thua xa mức 91% của màn hình Dell Ultrasharp U2415.

4. Mười sáu triệu màu, hàng tỷ màu hay hàng tỷ tỷ màu?

Với hầu hết màn hình hiện nay, bạn sẽ thấy thông số khả năng thể hiện 16,7 triệu màu (hoặc chênh lệch chút ít). Đây là mức đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các loại nội dung số phổ thông (kể cả máy ảnh số).

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của giá trị – vốn thường xuyên bị nhầm là đồng nghĩa với khả năng thể hiện dải màu rộng hơn. Con số 16,7 triệu màu này đơn thuần là những khả năng kết hợp giữa ba sắc thái đỏ (red), xanh lá cây (green) và xanh lam (blue) ở những cường độ khác nhau.

16,7 triệu màu

Mỗi trong số ba màu này có 256 cường độ khác nhau, và khi tính một công thức đơn giản (256 x 256 x 256), chúng ta sẽ có con số 16,7 triệu. Bản thân trong từng ấy phép kết hợp cũng có rất nhiều giá trị trùng nhau (ví dụ như như riêng sắc đỏ thuần đã có tới 256 giá trị khác nhau).

Hiện nay, không phải màn hình nào cũng có thể tái hiện đủ 16,7 triệu màu (kể cả những màn hình có nêu con số này). Một số dòng sản phẩm chỉ hiển thị được 262.144 màu. Vì thế, nếu bạn bắt gặp những đoạn quảng cáo về màn hình hiển thị hàng tỷ màu hay thậm chí là tỷ tỷ màu, hãy “mặc kệ” vì chúng hầu hết không hề đúng sự thật.

5. Góc nhìn trên 170 độ: đúng nhưng chưa đủ!

Đây là con số mà bạn sẽ nhìn thấy ở phần lớn các thiết bị hiển thị với màn hình hiện nay. Về mặt lý thuyết, đây là góc hiển thị ngang mà màn hình phải thể hiện được chất lượng hình ảnh đủ tốt – đồng nghĩa với việc chỉ khi bạn đứng bên cạnh màn hình và nhìn với một góc … chỉ 5 độ mới thấy hình ảnh trở nên xấu xí. Trên thực tế, dù hầu hết nội dung hiển thị (hình ảnh, chữ nghĩa) vẫn có thể được nhìn thấy ở mức độ nào đó từ các góc khác nhau, chỉ số 170 độ này lại không thể hiện gì về việc liệu độ tương phản, màu sắc sẽ biến đổi như thế nào.

Một ví dụ dễ hiểu là dù màn hình với tấm nền TN và tấm nền IPS có thể chung chỉ số góc nhìn 170 độ, khả năng duy trì màu sắc và độ tương phản khi góc nhìn hơi lệch đi của hai loại là hoàn toàn khác nhau.

góc nhìn 170 độ

Ở màn IPS cao cấp, độ sáng và độ tương phản sẽ giảm đi khoảng 50% nếu bạn nhìn lệch khỏi vị trí trực diện một góc ngang khoảng 30 độ. Với các tấm nền giá rẻ, thậm chí màu sắc cũng trở nên kì lạ chỉ với góc nhìn lệch chưa tới 15 độ. Chính vì thế, trong mọi tình huống mua sắm, hầu hết người dùng có thể…bỏ qua chỉ số này và tốt nhất nên tới nhìn trực tiếp khả năng thể hiện màu sắc và sự chuyển đổi của các giá trị hiển thị nói trên của đúng sản phẩm đang nhắm tới.

6. Tỉ lệ tương phản đầy mơ hồ

Tỉ lệ tương phản thể hiện sự khác biệt giữa hình ảnh sáng nhất và tối nhất mà màn hình có thể thể hiện. Với những màn hình tốt, tỉ lệ tương phản thường cao hơn. Hiểu một cách nôm na, nếu màn hình có thể hiển thị màu trắng ở 45 ft-L (foot-lambert) và 0,010 ft-L khi hiển thị màu đen, nó sẽ có tỉ lệ tương phản 4500:1. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hầu như không có chuẩn mực nào quy định phương thức đo độ tương phản.

Các nhà sản xuất thực tế có thể tính lượng ánh sáng sinh ra từ một điểm ảnh với tín hiệu hiển thị cụ thể ở điều kiện hiếm khi xảy ra trong tình huống sử dụng hàng ngày, và so sánh với điểm ảnh đó khi không có tín hiệu hiển thị nào được phát đến. Mô hình này hầu như chẳng giống gì với việc sử dụng TV hay màn hình của bạn trong điều kiện thực tế. Tuy nhiên, việc không có chuẩn mực cụ thể khiến các con số được công bố hầu hết là “sản phẩm” của chiêu trò tiếp thị thay vì thể hiện thứ gì đó mang tính cụ thể. Chính vì thế, để chọn ra một sản phẩm tốt, cách hiệu quả nhất là bạn hãy…đặt nó  cách những sản phẩm khác và so sánh.

Cũng liên quan tới độ tương phản, hầu hết các loại màn hình hiện nay đều đưa một thông số khác vào quảng cáo – tỉ lệ tương phản động (dynamic contrast ratio) với mức lên tới hàng triệu. Đây là giá trị được tính từ độ sáng tối đa của một hình ảnh so với điểm đen tối đa của một hình ảnh khác ở độ sáng nền thấp nhất. Nói cách khác, nó không cần thiết phải được so sánh trên cùng một hình ảnh (như độ tương phản tĩnh mà chúng ta vừa đề cập ở trên), điều khiến chỉ số này thường xuyên gây hiểu nhầm – đặc biệt là nếu nhà sản xuất nào cố tình giấu đi chữ “động” trong tài liệu.

7. Thời gian đáp ứng không nhanh như bạn tưởng 

Đây cũng là một trong những yếu tố gây nhiều nhầm lẫn – thậm chí được coi như một ví dụ điển hình của việc những thông tin tiếp thị không thể hiện đúng bản chất vấn đề. Màn hình LCD thường phát sinh hiện tượng bóng mờ (motion blur) do các tinh thể lỏng không phản ứng kịp với tốc độ khung hình thay đổi quá nhanh. Với mức trung bình 60 khung hình/giây – tương đương với mỗi hình ảnh mới sẽ được gửi tới màn hình trong 17ms.

nhầm lẫn về fps

Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã đầu tư không ít tiền của cho việc cải thiện khả năng đáp ứng của các tấm nền LCD, nhưng cũng song song với đó là hàng loạt chiêu tiếp thị có thể cố tình làm sai lệch cách hiểu để đẩy khái niệm thời gian đáp ứng “Response Time” xuống chỉ 8ms, 4ms hay thậm chí 1ms trong khi những thử nghiệm thực tế chỉ ra rằng hầu hết các màn hình hiện nay đều có chỉ số này ở mức trên 30ms. Một trong những ví dụ thường thấy nhất là tận dụng sự khác biệt trong cách tính thời gian tấm nền chuyển sắc từ  đen – hiển thị màu sắc tối đa – đen, hoặc xám – hiển thị màu sắc thường – xám. Nói cách khác, hầu hết chỉ số “khủng’ về thời gian đáp ứng hiện nay chỉ là hệ quả của các thủ thuật xử lý bóng mờ mà từng nhà sản xuất triển khai trên sản phẩm của họ, thay vì năng lực thực sự của tấm nền màn hình.

8. Màn hình LED, TV LED: đúng hay sai?

Hai cụm từ này được nhắc đến hầu như ở mọi nơi, mọi chỗ. Tuy nhiên trên thực tế chẳng hề có sản phẩm nào được gọi là màn hình LED hay TV LED cả.

tv led

Màn hình LED thực sự vào lúc này có lẽ là những biển quảng cáo khổng lồ ngoài trời được cấu thành từ hàng triệu đèn LED nhỏ (light emitting diode – diode phát quang). Với các loại màn hình thông thường, khái niệm LED chỉ là để nói rằng chúng là LCD sử dụng ánh sáng nền phát ra từ các diode (LED), và chỉ có thế mà thôi. Với màn hình OLED, đây lại là một công nghệ màn hình khác biệt với LCD.

9.  Màn hình càng sáng càng tốt?

Về lý thuyết, độ sáng tối đa của màn hình (maximum brightness) càng cao cho thấy chất lượng màn hình càng tốt. Những thế hệ thiết bị mới cũng luôn được quảng cáo là có độ sáng tốt hơn hẳn trước kia. Tuy nhiên, một điều thực tế là không phải lúc nào người dùng cũng cần tới độ sáng quá lớn.

Việc  sử dụng màn hình ở độ sáng quá mức cần thiết khiến mắt bị mỏi và điện năng bị phí phạm (tương ứng với việc thời lượng sử dụng pin ngắn lại). Thực tế, mức sáng tối ưu cho việc sử dụng phụ thuộc rất lớn vào ánh sáng của môi trường bên ngoài. Nhiều sản phẩm mới thường có chức năng điều chỉnh độ sáng màn hình tùy theo ánh sáng môi trường nhờ cảm biến tích hợp.

Mặt khác, trong phần lớn trường hợp, độ sáng màn hình cũng không phải yếu tố quyết định khả năng bạn nhìn thấy màn hình ở ngoài trời hay những nơi có ánh sáng môi trường quá mạnh. Khi đó, việc xử lý được độ phản chiếu, hiện tượng lóa của màn hình lại đóng vai trò quan trọng hơn. Bởi lẽ chúng mới là yếu tố khiến bạn không thể nhìn thấy gì và thường xuyên phải điều tiết mắt để nhìn “xuyên” qua những hình ảnh phản chiếu phía sau.

10. Hiệu quả khác biệt của lớp phủ “chống lóa, chống phản chiếu”

Nhiều màn hình được các nhà sản xuất quảng cáo là có lớp phủ chống lóa (Anti-Glare) hoặc chống phản chiếu (Anti-Reflection) tuy nhiên hầu hết đều không nêu được mức độ hiệu quả cụ thể.

chống lóa là gì

Những thử nghiệm của Display Mate (xem tại: http://www.displaymate.com/Mobile_Brightness_ShootOut_2.htm) cho thấy với cùng các sản phẩm quảng cáo chống lóa, sự khác biệt có thể lên tới ba lần.

internet.

Categories:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *