Thị trường máy chủ ảo toàn cầu được định giá lên tới hơn 246 tỉ USD
Hãy thử một bài test đơn giản sau đây: Tìm kiếm trên Google về 2 khái niệm “cloud server” (máy chủ ảo đám mây) và “dedicated server” (máy chủ dùng riêng). Kết quả trả về có làm bạn bất ngờ? Gần 9 triệu kết quả tìm kiếm trả về cho “cloud server” trong khi “dedicated server” chỉ cho ra vỏn vẹn hơn 3 triệu câu trả lời.
Con số chênh lệch bạn nhận được là minh chứng rõ ràng nhất về khoảng cách ngày càng mở rộng giữa hai thế hệ trong làng công nghệ: Một bên là những công ty đi theo mô hình server vật lí truyền thống và một bên là những đại diện của kỉ nguyên điện toán đám mây, nổi bật với 3 cái tên tiên phong: Amazon, Google và Microsoft.
Bộ ba này có một điểm chung là sở hữu các trung tâm xử lý dữ liệu “trên mây”, có khả năng cung cấp giải pháp công nghệ cho nhiều hình thức dịch vụ với chi phí cạnh tranh, từ đó đem lại lợi nhuân nhiều hơn cho doanh nghiệp. Microsoft cung cấp phần mềm cho các cá nhân và doanh nghiệp, Amazon cung cấp nền tảng thương mại điện tử trong khi sản phẩm chủ đạo của Google là cỗ máy tìm kiếm và các công cụ quảng cáo.
Không chỉ cung cấp nền tảng giúp phát triền các hoạt động kinh doanh của nội bộ, Google, Microsoft và Amazon bứt phá mạnh mẽ vì họ trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ đâm mây vượt trội tới các doanh nghiệp khác với chi phí thấp hơn, thay thế hệ thống máy chủ truyền thống đã lỗi thời.
AWS – Amazon Web Service, dịch vụ đám mây của Amazon đang làm mưa làm gió trên thị trường, vượt qua mảng thương mại điện tử truyền thống để trở thành mảng kinh doanh thu lời lớn nhất của doanh nghiệp này. Theo Business Insider, chỉ tính riêng trong Q4/2017, AWS mang 5,1 tỉ USD về cho tập đoàn, đánh dấu mức tổng doanh thu 17,5 tỉ USD cả năm 2017, mức tăng trưởng đạt 43% so với năm 2016. Trong khi đó, Google Cloud Platform đem lại cho “ông hoàng tìm kiếm” mức tăng trưởng 1 tỉ USD cho mỗi quý. Tương tự, dịch vụ đám mây Azure cũng mang lại mức doanh thu tăng trưởng 98% cho Microsoft trong Q4/2017 vừa qua.
Theo báo cáo của Gartner, chỉ riêng thị trường cung cấp dịch vụ máy chủ ảo trên toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng từ 209.2 tỉ USD năm 2016 lên 246.8 tỉ USD trong năm 2017. Thật không quá khi so sánh đây chính là những “đám mây” đem lại “cơn mưa tiền” cho Amazon, Microsoft và Google, khi 3 ông lớn này nắm giữ tới 61% thị phần cloud server trên toàn thế giới.
Thị trường điện toán đám mây Việt Nam đã sẵn sàng cho kỉ nguyên bùng nổ
Tại Việt Nam, điện toán đám mây bắt đầu được biết tới từ năm 2007 như một giải pháp tốt ưu nhằm quản lí kho dữ liệu đồ sộ của các doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức một cách thông minh và hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại hình dịch vụ nào mới khi gia nhập thị trường Việt Nam, luôn cần một khoảng thời gian để khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng, chấp nhận những cái mới, từ đó phát sinh nhu cầu sử dụng.
“Nhu cầu dùng điện toán đám mây thời kì đó vẫn chưa định hình rõ nét. Các doanh nghiệp vẫn quen với việc đi thuê, hoặc mua máy chủ vật lý hơn, vì nói đến khái niệm đám mây, vẫn còn có nhiều người chưa hiểu rõ” – Ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc một đơn vị lớn cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chia sẻ về những ngày đầu điện toàn đám mây du nhập vào Việt Nam.
Thêm vào đó, khi thị trường đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiểu biết của người đi thuê còn hạn chế, nhiều đơn vị thiếu năng lực vẫn cố “hớt váng” thị trường bằng những dịch vụ kém chất lượng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm du nhập và phát triển, thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam giờ đây không chỉ quen mặt với những “đại gia” quốc tế và còn chứng kiến cuộc đua khốc liệu giữa các doanh nghiệp CNTT trong nước nhằm tranh giành thị phần từ miếng bánh béo bở nhưng mới mẻ này.
Cũng cần nói thêm về sự nhận thức của các doanh nghiệp cũng chuyển biến tích cực hơn đối với những “đám mây” đã tạo động lực cho các nhà cung cấp nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư hạ tầng công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra.
Theo nhận định của ông Hùng, điện toán đám mây sẽ tạo ra cơ hội bứt phá cho nhiều ngành kinh tế tại nước ta; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người sử dụng. Phần mềm, nội dung số hay những người làm tiếp thị sản phẩm sẽ có khả năng phân phối dịch vụ trên quy mô toàn cầu, đồng nghĩa với việc kiếm tiền một cách dễ dàng hơn.
“Đây là mô hình cho phép cá nhân, doanh nghiệp lưu trữ, tính toán, chia sẻ dữ liệu một cách thuận tiện và nhanh chóng trên nền tảng Internet. So với hệ thống server truyền thống, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và mặt bằng lắp đặt.” – ông Hùng cho biết thêm.
Trong tương lai gần, thị trường điện toán đám mây được dự đoán sẽ có tiềm năng phát triển vượt bậc. Đơn giản vì đối tượng phục vụ chính của dịch vụ này là các doanh nghiệp – những đơn vị kinh doanh giỏi tính bài toán lợi ích nhất, và họ chắc chắn sẽ chọn cách tối thiểu chi phí và tối đa hiệu quả cho mình.
ST.